Trong suốt quãng thời gian biết sử dụng Internet đến giờ, tôi đã dõi theo vô số sự kiện lớn nhỏ nổ ra trên mạng xã hội. Từ những sự kiện xã hội lớn, bầu cử Mỹ cho đến những vụ án mạng nổi tiếng, những cuộc đánh ghen. Covid-19 vào đầu năm 2020, quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bất cứ sự kiện gì, bạn đọc tên, tôi đều biết.
Trong số tất cả những gì tang thương, đau buồn nhất, tôi cũng chưa từng trải qua một cảm giác nào giống như cảm giác vào hai đêm mà người dân Quảng Bình, Quảng Trị đồng loạt lên mạng xã hội để kêu cứu. Ồ ạt những dòng chữ hiện lên trên News feed mà đằng sau nó là những con người đang ở tận cùng cơn bĩ cực. Trong đêm, nước lũ dâng cao khiến người dân phải oằn mình bám trụ trong những căn nhà lụp xụp. Từng cảnh đời trong lũ hiện lên trên màn hình máy tính.
Một status cầu xin đội cứu hộ tới giải cứu ông bà đã ngoài 80, ở nhà một mình với bốn bề nước lũ.
Một người tàn tật đang cố bám chặt lấy song cửa và chờ đợi trong màn đêm.
Hai cụ già và 7 trẻ nhỏ.
…
Nếu có một cảm giác nào diễn ra bên trong con người chúng ta khi đó, có lẽ nhiều nhất chính là cảm giác bất lực. Nỗi đau thương, sợ hãi, những tiếng kêu cứu như xé lòng đang hiển hiện trước mắt qua những dòng chữ đánh vội.
Mùa lũ 2020 để lại nhiều những giây phút khiến ta phải tự đặt câu hỏi về những gì ta có, và những gì mà hàng trăm nghìn con người ở miền Trung kia đang phải sống cùng. Trong khi chúng ta đang tận hưởng những tiện nghi cơ bản nhất của đời sống hiện đại, với chăn ấm, điều hòa, tivi Internet và điện thoại smartphone… thì đâu đó ngoài kia, có cụ già đã bật khóc khi nhận hộp cơm nóng sau 5 ngày bị lũ vùi, có người đàn ông ngâm mình trong nước lũ nhiều ngày, đói lạnh đến vô tri vô giác, có người phụ nữ suýt bỏ mạng vì cố lao ra giữa dòng nước lũ xin đồ ăn cho mẹ già và 3 con nhỏ. Và, có người đàn ông, đã quỳ xuống gào khóc vì nhìn thấy vợ và đứa con sắp chào đời của mình bị lũ cướp đi trong một cơn mưa và dòng nước cuộn trắng trời…
Người miền Trung, bao đời nay vẫn vậy. Mùa lũ đến rồi đi, của cải mất rồi lại lần hồi xây đắp lại. Chúng ta vẫn biết về sự kiên cường của người dân vùng đất nắng gió ấy, nhưng chưa bao giờ thật sự được nhìn thấy rõ ràng những gì thiên tai để lại sau cơn giày xéo của mình, ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất.
Nhìn những người dân khóc nức nở chờ cứu trợ, điều anh nghĩ đến đầu tiên là gia đình mình, anh cảm ơn vì vợ con mình vẫn có nhà cửa khô ráo để ở. Là người miền trung trước đây cũng đã kinh qua bão lụt, nhưng chưa bao giờ anh thấy thương tâm thế này.
Anh Thắng
Cho đến mùa lũ năm nay, một mùa lũ lịch sử của người dân vùng đất khắc nghiệt này.
Một người đồng nghiệp khác của tôi là anh Thắng, cũng có mặt tại đây để ghi lại những hình ảnh của trận lũ lần này. Anh là người Hà Tĩnh, đã gần 30 năm là người con của dải đất miền Trung. Những câu chuyện mưa lũ là điều mà anh lớn lên cùng. Nhưng tất cả những trải nghiệm trước đến giờ – cũng không bằng những gì anh Thắng đã chứng kiến trong mùa lũ năm nay. Chỉ kể lại thôi cũng đủ khiến anh cảm thấy bàng hoàng.
Rào Trăng sẽ là một ký ức đau buồn mà chúng ta nhớ mãi.
Trong chiếc camera mà người ta tìm được trong đống đổ nát, vẫn còn lưu những thước phim ghi lại chặng đường ngắn ngủi của 13 chiến sĩ và cán bộ cứu hộ khi tiến vào Rào Trăng tìm 17 người công nhân mắc kẹt. Đêm cuối cùng, các đồng chí quây quần bên bếp lửa, hong khô quần áo và cùng nhau trò chuyện. Trong những khoảnh khắc cuối cùng được ghi lại này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man nói: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm”.
Câu nói ấy cũng là câu nói cuối cùng của tướng Man.
Đêm ấy, đoàn cán bộ có đến 21 người nhưng khi quả đồi đổ sập xuống, chỉ có 8 người kịp thời thoát thân. Chuyến cứu hộ ấy trở thành chuyến cứu hộ cuối cùng. Các anh mãi nằm lại lòng đất trong sự bàng hoàng, xót xa của cả đất nước.
Đó là vào đêm 12/10, tức là chưa đầy 12 tiếng sau vụ sạt lở tại Thuỷ điện Rào Trăng 3. Có lẽ rất lâu sau này người ta cũng không thể quên được địa danh mang tên Tiểu khu 67, nơi là Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bồ và cũng là nơi 13 chiến sĩ và cán bộ hy sinh khi trên đường đến Thuỷ điện Rào Trăng làm công tác xác minh sự cố và lên phương án cứu hộ.
14km từ Thuỷ điện Rào Trăng đến Tiểu khu 67 trở thành chặng đường đớn đau, đầy nước mắt. Đó là tính mạng của nhiều người dân và chiến sĩ, đó còn là nỗi đau không thể đong đếm của những người còn ở lại, của những người mẹ già, của người vợ, người con vẫn còn đang gồng mình chống lũ nơi hậu phương.
Những con đường đất đá ngập bùn, những vạt rừng hoang tàn sau cơn sạt lở. Trên mặt đất, người ta tìm được 3 chiếc mũ bộ đội. Có lẽ, đây sẽ là hình ảnh đau buồn nhất khi nghĩ đến Rào Trăng. Hình ảnh về những người lính đã vĩnh viễn ở lại nơi này, khi vẫn đang trên đường làm nhiệm vụ đi cứu dân.
—-
Rạng sáng 18/10, tin tức về vụ sạt lở thứ 3 tại Quảng Trị tràn ngập các mặt báo. Vụ sạt lở xảy ra vào ban đêm, ngọn đồi đổ sập xuống khu nhà tại Sư đoàn 337 (đóng quân tại Quảng Trị).
22 người đã hy sinh.
Một phóng viên đồng nghiệp của tôi – anh Nam – được phân công tác nghiệp tại Trung tâm Thể dục, Thể thao Quảng Trị, nơi đón 22 thi thể những chiến sĩ đã hy sinh do sạt lở. Con đường xa gập ghềnh đưa anh đến đây, và chẳng điều gì đau xót hơn khi phải chứng kiến những tang thương của gia đình người lính. Suốt gần 10 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên anh phải tác nghiệp trong một hoàn cảnh nhiều đớn đau đến thế. Khi cả những người quân nhân, những người lính, những người cha, người mẹ già, cùng ôm nhau khóc như những đứa trẻ giữa một đống hoang tàn mà sạt lở để lại. Đâu đó trong những đất đá kia, chôn vùi những con người quả cảm.
Anh nghĩ rằng nếu chẳng may người nằm xuống kia là người thân mình thì không biết anh có đứng vững được nữa hay không. Đánh gục người ta chẳng phải khó khăn mà chính là những mất mát như thế này
Anh tâm sự.
Chúng ta đã cùng nhau kinh qua nhiều nỗi đau, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Nhưng sự ra đi lần này của các chiến sĩ cứu hộ để lại thật nhiều sự day dứt cho bất cứ ai chứng kiến. Những người đã để lại sự sống của mình trên đường đi cứu những sinh mạng khác. Những chiến sĩ đã sống trọn với hai chữ “Vì dân” cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Và trong cơn mưa không dứt, đã chẳng có phép màu nào xảy ra.
Một lần nữa, xin nghiêng mình trước các anh.