Người bệnh lo lắng không biết bệnh rung nhĩ có nguy hiểm không? Bởi họ được nghe đến những biến chứng của bệnh như: huyết khối, đột qụy, nhồi máu cơ tim… Trong bài viết sau sẽ cho bạn thêm những lý do để tin rằng chứng bệnh này nguy hiểm.
Bệnh rung nhĩ có nguy hiểm không?
Bình thường, hệ thống điện tim phát xung điện giúp tim co bóp nhịp nhàng 60-100 nhịp/phút, rung nhĩ xuất hiện khi có sự rối loạn xung động điện, nhịp tim khi đó có thể tăng lên đến 350-400 nhịp/phút.
Người bệnh rung nhĩ có thể không có triệu chứng và phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh, nhưng đa phần sẽ gặp các triệu chứng như: tim đập nhanh, loạn nhịp tim, chóng mặt, khó thở, đau ngực. Đây thực sự là 1 căn bệnh nguy hiểm bởi biến chứng trầm trọng mà nó để lại như suy tim, cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não (đột quỵ). Ngoài ra, rung nhĩ là bệnh tiến triển,nếu không điều trị thì bệnh càng ngày càng nặng hơn và khi xuất hiện trên nền bệnh tim mạch khác sẽ làm cho cả rung nhĩ và bệnh đó nặng lên. Bởi vậy mà điều trị sớm bằng thuốc, đặt máy khử rung, đốt điện tim, thay đổi lối sống… là cách để bệnh không trở nặng, cũng là cách kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.
Biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ là huyết khối, huyết khối vỡ ra theo dòng máu đến não gây nhồi máu não
Xem thêm:
Rung nhĩ – rối loạn nhịp tim thường gặp nhất
Rung nhĩ do tăng huyết áp – nguy hiểm gấp bội phần
Theo TS.BS. Phạm Trần Linh- Phó Chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam: “Thực sự thì tăng huyết áp đã là một bệnh lý nguy hiểm, được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng, hay là sát thủ số 1. Vì số lượng người bị tăng huyết áp rất là cao trong cộng đồng và việc điều trị kiểm soát không phải lúc nào cũng tốt. Khi tăng huyết áp mà xuất hiện rung nhĩ có nghĩa là biến chứng của bệnh đã sang một giai đoạn ảnh hưởng đến cơ quan đích là trái tim của chúng ta và là dấu hiệu cảnh báo bắt đầu có suy tim. Suy tim có thể suy chức năng tâm trương, suy tim chức năng tâm thu rồi suy tim toàn bộ, là điều kiện thuận lợi để hình thành cơn rung nhĩ nhiều hơn. Vừa tăng huyết áp, vừa có rung nhĩ tức là bệnh nhân đã phải gánh chịu hai cái bệnh tương đối là nguy hiểm, vì vậy mà những bệnh nhân đó thường phải nhập viện để điều trị tích cực vừa kiểm soát huyết áp vừa kiểm soát rung nhĩ thì bệnh nhân mới có thể có một cuộc sống tốt, giảm được gánh nặng của bệnh tật.” BS. Phạm Trần Linh giải đáp mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp kèm rung nhĩ trong video dưới đây:
Rung nhĩ trong tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Rung nhĩ gây biến chứng lên não và nhồi máu cơ tim? Cách nào để phòng tránh
Người bệnh có thể sẽ thắc mắc, không biết bệnh rung nhĩ có nguy hiểm không? tại sao rung nhĩ là bệnh ở tim mà biến chứng lại lên não? Lý do là rung nhĩ làm mất đồng bộ giữa nhĩ thất, tâm nhĩ rung lên làm cho dòng máu luẩn quẩn trong tâm nhĩ thay vì xuống tâm thất (khoảng 30% lượng máu bị ứ lại) kết hợp với sự thay đổi mô học của cơ tâm nhĩ nên dễ hình thành những cục máu đông. Nếu cục máu đông đó chỉ ở trong buồng nhĩ thôi thì không quá lo ngại, nhưng khi nó vỡ ra, trôi theo dòng máu di chuyển lên động mạch não sẽ gây đột quỵ, nhồi máu não. Người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc bệnh này và nguy cơ này càng tăng lên khi bạn trên 65 tuổi. Còn nếu huyết khối di chuyển đến động mạch vành sẽ gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim. Cả 2 biến chứng trên đều rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu không cấp cứu kịp thời.
Việc dùng thuốc chống đông để ngăn ngừa ngăn ngừa hình thành cục máu đông là biện pháp vô cùng quan trọng để phòng tránh các biến chứng kể trên. Nếu điều trị khỏi rung nhĩ, chuyển về nhịp xoang hoàn toàn thì nguy cơ hình thành cục máu đông cũng sẽ giảm đi. Nhưng có những trường hợp dùng thuốc chống đông rồi mà vẫn hình thành huyết khối, thì người ta thiết kế những cái dụng cụ là những cái dù đặt ở trong nhĩ, ngăn không cho cục máu đông từ trong buồng tim nó đi ngao du ở trong cơ thể nữa. BS. Phạm Trần Linh giải đáp rõ hơn trong video dưới đây:
Tại sao rung nhĩ gây biến chứng lên não? cách phòng tránh là gì?
Rung nhĩ gây suy tim
Suy tim là một nguyên nhân gây rung nhĩ nhưng ngược lại rung nhĩ cũng làm nặng thêm tình trạng suy tim. Khi bạn bị rung nhĩ, tim đập rất nhanh nhưng hiệu quả bơm máu không cao, ban đầu tim thích nghi bằng cách giãn buồng tim nhưng đến 1 giai đoạn nhất định, không còn khả năng bù trừ nữa nên dẫn đến suy tim sung huyết, đặc biệt là suy tim trái cấp với các triệu chứng như: khó thở, ho, phù, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống…
Quá trình từ rung nhĩ đến suy tim diễn ra phụ thuộc nhiều vào từng cá thể, có người chỉ trong vòng một vài tiếng đồng hồ là bắt đầu xuất hiện những triệu chứng tụt huyết áp, khó thở, phù phổi (những cơn phù phổi cấp hoặc hen tim). Nhưng cũng có trường hợp kéo dài hơn, có thể vài ngày. Nhưng hầu như người rung nhĩ đáp ứng thất nhanh sẽ nhanh chóng dẫn đến tình trạng suy tim. Bạn có thể nghe chi tiết lời giải đáp của BS. Phạm Trần Linh trong clip dưới đây:
Vì sao rung nhĩ gây suy tim – giải đáp của chuyên gia tim mạch.
Chăm sóc bệnh nhân bị rung nhĩ
Khi được chẩn đoán rung nhĩ, thay vì lo lắng về bệnh thì bạn hãy chủ động điều trị và thay đổi lối sống để tránh những biến chứng kể trên:
- Uống thuốc đều đặn hàng ngày theo đơn của bác sĩ để ngăn ngừa hình thành và làm tan cục máu đông.
- Lựa chọn một lối sống có lợi cho sức khoẻ như tập thể dục đều đặn 150 phút/tuần với các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe, tập yoga…
- Ăn nhiều hoa quả, rau, chất xơ, hạn chế chất béo động vật. Nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông thì nên kiêng một số loại rau xanh tương tác với thuốc như: rau cải, súp lơ…
- Triệu chứng của bệnh thường kín đáo và mọi người khó thấy được nên bạn có thể cảm thấy gia đình, bạn bè không hiểu bạn. Lo lắng, căng thẳng chỉ làm bệnh nặng thêm vì vậy bạn nên giải thích với gia đình và bạn bè tình trạng bệnh của mình, kế hoạch điều trị và thay đổi lối sống cho phù hợp. Như vậy, những người thân xung quanh không những sẽ hiểu mà còn cổ vũ và động viên, nhắc nhở bạn tuân thủ điều trị để chung sống với rung nhĩ.
BS. Phạm Trần Linh sẽ tư vấn cho bạn về chế độ ăn trong video dưới đây:
Mắc bệnh rung nhĩ nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Xem thêm:
Rung nhĩ: Những thực phẩm tuyệt đối kiêng kỵ
Bệnh rung nhĩ thực sự rất nguy hiểm bởi biến chứng nặng nề mà bệnh để lại. Chủ động điều trị và suy nghĩ tích cực thay vì lo lắng sẽ là biện pháp tốt nhất để nâng cao sức khỏe cho bản thân và giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Lê Thanh Hoa
Là Dược sĩ đại học có vai trò là Trưởng ban biên tập nội dung sức khỏe cho website https://loannhiptim.co/, tôi đã dành nhiều thời gian cập nhật kiến thức về bệnh tim mạch trên các trang web y khoa điện tử hàng đầu thế giới như: webmd.com, nih.gov, medicinenet.com… và tham gia hàng trăm các cuộc hội thảo, tư vấn trực tuyến cùng với các chuyên gia đầu ngành Tim mạch để gửi tới bạn đọc những kiến thức mới và hữu ích về bệnh rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh.
Thông tin liên hệ:
SĐT: 0966.491.285
Email: btvlegiang@gmail.com