Khi đi khám các bệnh liên quan tới tim mạch, người bệnh thường được các bác sỹ chỉ định đo điện tâm đồ, còn được gọi là “điện tim” hay là ECG. Vậy, bạn đã biết ý nghĩa thực sự của điện tim là gì, nó dùng để chẩn đoán điều gì về tim mạch.
Ý nghĩa của điện tim
Mỗi nhịp đập của trái tim được tạo ra bởi các xung điện. Điện tim được sử dụng để ghi lại các tín hiệu điện này khi chúng đi qua tim. Nó thường được các bác sỹ sử dụng nhằm phát hiện những vấn đề bất thường của nhịp tim hoặc nguyên nhân gây đau tức ngực.
Bạn không cần phải lo lắng, vì điện tim chỉ mất khoảng 3-5 phút và hoàn toàn không gây đau đớn và vô hại, nó chỉ khuếch đại và ghi lại các xung điện phát ra từ tim chứ không đưa bất kỳ dòng điện nào vào cơ thể! Đôi khi, ECG có thể cho thấy hình ảnh trái tim lớn hơn bình thường (thường là do huyết áp cao) hoặc tim không nhận đủ oxy do tắc nghẽn trong một trong các mạch máu cung cấp cho tim (động mạch vành).
Thông thường, điện tim được thực hiện để chẩn đoán các bệnh về tim mạch. Đôi khi, nó cũng là một phần của khám sức khoẻ tổng quát định kỳ cho người trung niên và người cao tuổi, ngay cả khi họ không bị rối loạn nhịp tim, để làm cơ sở so sánh với ECGs sau này nếu rối loạn nhịp tim phát triển.
Nhịp tim bất thường và lượng máu chảy không đều vào cơ tim có thể chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn hoặc không thể đoán trước. Để phát hiện những vấn đề như vậy, bác sĩ có thể sử dụng điện tim động học liên tục , trong đó ECG được ghi lại liên tục trong 24 giờ trong khi người tham gia hoạt động bình thường hàng ngày.
Kết quả thu được sau khi đo điện tim là tập hợp của những đường cong biến thiên
Quá trình đo điện tim được thực hiện như thế nào?
Để đo được điện tim, bác sỹ sẽ đặt các điện cực (các cảm biến tròn nhỏ dính vào da) trên cánh tay, chân và ngực của người bệnh. Những điện cực này không chứa kim và không đau. Các điện cực này sẽ đo cường độ và hướng dòng điện trong tim qua mỗi nhịp đập. Các điện cực được nối bằng dây dẫn đến một máy, tạo ra một bản ghi cho mỗi điện cực, hiển thị trên màn hình là hình ảnh một đường cong biến thiên lên xuống. Mỗi bản ghi đó cho thấy hoạt động điện của tim từ các góc độ khác nhau, được chia thành các phần, và mỗi phần đó tương đương với các chữ cái trong ECG.
Mỗi nhịp tim bắt đầu từ một xung động điện được gọi là sóng P – biểu hiện hoạt động của tâm nhĩ. Tiếp đó, dòng điện chảy xuống tâm thất – phức hợp QRS thể hiện sự kích hoạt của tâm thất. Dòng điện sau đó quay trở lại qua các tâm thất ở hướng đối diện. Hoạt động này được gọi là sóng hồi phục, được biểu diễn bằng sóng T.
Nhiều bất thường trong hoạt động của tim có thể được nhìn thấy trên điện tim, bao gồm: nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim), thiếu máu và oxy đến tim (thiếu máu cục bộ), nhồi máu cơ tim và tim to.
Ngoài ra, một số dị dạng trên điện tim cũng có thể cho thấy các chứng phình động mạch chủ. Nếu nhịp tim bất thường (quá nhanh, quá chậm, hoặc không đều), điện tim cũng có thể chỉ ra nơi nào trong trái tim phát nhịp bất thường. Tất cả những thông tin này giúp các bác sĩ bắt đầu xác định nguyên nhân và chẩn đoán bệnh.
Lan Anh
Theo nguồn: http://www.merckmanuals.com/home/heart-and-blood-vessel-disorders/abnormal-heart-rhythms/overview-of-abnormal-heart-rhythms#v27415866
Là Dược sĩ đại học có vai trò là Trưởng ban biên tập nội dung sức khỏe cho website https://loannhiptim.co/, tôi đã dành nhiều thời gian cập nhật kiến thức về bệnh tim mạch trên các trang web y khoa điện tử hàng đầu thế giới như: webmd.com, nih.gov, medicinenet.com… và tham gia hàng trăm các cuộc hội thảo, tư vấn trực tuyến cùng với các chuyên gia đầu ngành Tim mạch để gửi tới bạn đọc những kiến thức mới và hữu ích về bệnh rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh.
Thông tin liên hệ:
SĐT: 0966.491.285
Email: btvlegiang@gmail.com