Nhịp tim là một trong những chỉ số sinh tồn, hầu hết mọi người khi có biểu hiện tim đập nhanh đều vô cùng lo lắng và tìm biện pháp điều trị ngay. Vậy khi nhịp chậm xoang có cần điều trị? Trường hợp nào cần dùng thuốc và trường hợp nào không cần uống thuốc? Nếu không điều trị thì có nguy hiểm không? Những mối băn khoăn này sẽ được làm rõ ngay sau đây.ư
Nhịp chậm xoang làm tăng nguy cơ suy tim, ngưng tim
Nhịp chậm xoang là gì?
Nhịp tim của người trưởng thành khỏe mạnh dao động từ 60 đến 100 lần/phút. Nhịp chậm xoang xảy ra khi tim đập dưới 60 lần/phút, tình trạng này làm tăng nguy cơ huyết khối, đột quỵ, suy tim khi não, tim không đủ oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tim đập chậm nhưng vẫn không cần điều trị và sức khỏe hoàn toàn bình thường, đó là các vận động viên, những người thường xuyên tập thể dục thể thao. Bởi vì tim của họ đã được “tập luyện” trong thời gian dài, cơ tim khỏe mạnh nên chỉ cần đập ít nhịp nhưng vẫn đủ bơm máu đến các cơ quan. Vì vậy, bạn đừng vội lo lắng khi được kết luận nhịp xoang chậm, thay vào đó hãy xem xét đến việc tập luyện của mình có duy trì thường xuyên không?
Nguyên nhân gây nhịp chậm xoang
Chứng nhịp tim chậm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
– rối loạn nhịp tim chậm hoặc bệnh lý nút xoang bẩm sinh
– Quá trình lão hóa nút xoang và hệ thống dẫn truyền điện tim, ảnh hưởng đến cả quá trình phát nhịp và dẫn truyền điện tim, điều này thường gặp ở người từ 65 tuổi trở lên.
– Mắc bệnh lý gây tổn thương hệ thống điện của tim, bao gồm: bệnh mạch vành, sau nhồi máu cơ tim (cơn đau tim), các bệnh nhiễm trùng như viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, thấp tim. Hoặc tổn thương cơ tim sau phẫu thuật tim
– Các bệnh lý khác làm chậm quá trình dẫn truyền điện tim: suy giáp (nồng độ hormon tuyến giáp), mất cân bằng điện giải (quá nhiều kali trong máu), block tim…
– Ngưng thở khi ngủ
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh tim, huyết áp như thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim và digoxin.
Dấu hiệu nhận biết nhịp chậm xoang
Nhiều trường hợp nhịp tim chậm nhưng triệu chứng không rõ rệt, chỉ mệt mỏi thoáng qua nên người bệnh thường ít để ý, chỉ khi biểu hiện nặng hơn, hoặc tiến triển thành suy tim mới đi khám thì việc điều trị không có hiệu quả cao. Sau đây là một số dấu hiệu điển hình của chứng rối loạn nhịp tim chậm:
– Chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu.
– Mệt mỏi, khó thở, khó tập trung, hạn chế hoạt động thể lực
– Có biểu hiện đau ngực, đánh trống ngực.
– Cảm giác yếu mệt, giảm huyết áp .
Một cách phát hiện nhịp tim chậm thường áp dụng nhất là tự đo nhịp tim, bạn có thể sử dụng máy đo hoặc đếm nhịp ở mặt trong của cổ tay hoặc động mạch cảnh. Nếu nhịp tim của bạn chậm hoặc không đều, hãy trao đổi với bác sỹ khi thăm khám chuyên khoa tim mạch.
Khi đi khám, một số xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác chứng bệnh này gồm siêu âm tim, điện tâm đồ, nghiệm pháp căng thẳng, đeo máy Holter theo dõi điện tim trong vòng 24-48 giờ hoặc xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân gây nhịp xoang chậm không do tim.
Nhịp chậm xoang có thể gây ra bởi thuốc điều trị
Nhịp xoang chậm có nguy hiểm không?
Với những trường hợp nhịp xoang chậm sinh lý, tức là những người thường xuyên tập thể dục thể thao thì không đáng lo ngại và không nguy hiểm. Còn những trường hợp nhịp chậm xoang khác nếu không điều tị có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm:
– Suy tim: do cơ tim bị thiếu dưỡng chất và oxy trong thời gian dài nên suy yếu dần và không đảm nhận được chức năng bơm máu của tim. Dấu hiệu của suy tim bao gồm ho khan, phù, khó thở, mệt mỏi, đau thắt ngực.
– Hình thành huyết khối trong lòng động mạch do tốc độ lưu chuyển của máu chậm, cục máu đông có thể di chuyển trong hệ tuần hoàn, tới não gây tai biến mạch não, tới động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim.
– Ngất xỉu, mất ý thức đột ngột do thiếu máu lên não thoáng qua hoặc mạn tính.
– Cơn đau thắt ngực diễn ra thường xuyên.
– Huyết áp thấp hoặc cao huyết áp
– Ngưng tim đột ngột, tử vong
Cách điều trị nhịp chậm xoang
Mục tiêu điều trị cho các trường hợp nhịp chậm xoang là làm tăng nhịp tim của bạn để các cơ quan trong cơ thể nhận được đủ lượng máu và duy trì được hoạt động bình thường. Hướng điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào những nguyên nhân gây nhịp tim chậm.
– Với những trường hợp nhịp tim chậm không có triệu chứng, thì không cần điều trị, chỉ cần theo dõi nhịp tim định kỳ, kết hợp ăn uống đủ chất và tập thể dục thường xuyên.
– Sử dụng thuốc: một số trường hợp nhịp chậm xoang được kê toa sử dụng thuốc cường giao cảm để kích thích làm tim đập nhanh hơn, nhưng cần dùng theo đơn của bác sỹ để tránh các tác dụng phụ của thuốc.
– Nếu hệ thống điện tim bị tổn thương, làm tim đập quá chậm, người bệnh cần cấy máy tạo nhịp tim. Đây là một thiết bị được cấy dưới da, đóng vai trò phát nhịp và điều chỉnh quá trình dẫn truyền điện tim, từ đó điều chỉnh nhịp tim chậm. Những người có triệu chứng rõ rệt của nhịp chậm xoang: trống ngực, ngất thường xuyên và phải đối mặt với nguy cơ ngưng tim… thì nên đặt máy tạo nhịp.
– Nếu nhịp xoang chậm gây ra bởi chứng suy giáp hoặc rối loạn điện giải, cần điều trị các bệnh này thì nhịp tim sẽ trở về bình thường.
– Nếu nhịp tim chậm xảy ra sau khi dùng một loại thuốc điều trị nào đó thì bạn nên trao đổi lại với bác sĩ điều trị để thay đổi liều hoặc kê toa một loại thuốc khác. Nếu đó là loại thuốc bắt buộc phải sử dụng và không thể thay thế, có thể bạn cần máy tạo nhịp.
Hãy trao đổi lại với bác sỹ nếu nghi ngờ thuốc đang dùng gây nhịp chậm xoang
Cách cải thiện tình trạng nhịp tim chậm tại nhà
Mặc dù nhịp chậm xoang thường là hậu quả của một bệnh khác, nhưng nếu bạn xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh thì sức khoẻ tổng thể và cả nhịp tim của bạn cũng được cải thiện:
– Có chế độ ăn uống lành mạnh: nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, cá, và các loại thực phẩm bơ sữa ít béo hoặc không béo.
– Hoạt động nhiều nhất có thể, đi bộ trên các quãng đường ngắn thay vì đi thang máy, xe máy hay ô tô. Nên tập thể dục bằng các môn vừa sức mỗi ngày ít nhất 30-60 phút, duy trì tất cả các ngày trong tuần.
– Giảm cân nếu bạn quá cân, và cố gắng duy trì cân nặng phù hợp theo chỉ số BMI.
– Không hút thuốc lá, dùng cà phê, rượu bia
– Tránh thức khuya quá 11h đêm, ngủ đủ giấc và tránh lo lắng căng thẳng
– Kiểm soát tốt các vấn đề sức khoẻ khác, như cao huyết áp hoặc cholesterol máu cao.
Nếu bạn hiểu về chứng bệnh nhịp chậm xoang thì việc kiểm soát bệnh không hề khó, và mọi vấn đề bạn đang lo lắng sẽ được giải quyết. Hãy theo dõi nhịp tim định kỳ, sử dụng thuốc theo đơn (nếu có), ăn uống khoa học và tập luyện vừa sức, bạn sẽ thấy trái tim dần hồi nhịp.
Xem thêm: Cách làm tăng nhịp tim khi bị block tim, ngoại tâm thu, nhịp chậm xoang
Bảo An
Là Dược sĩ đại học có vai trò là Trưởng ban biên tập nội dung sức khỏe cho website https://loannhiptim.co/, tôi đã dành nhiều thời gian cập nhật kiến thức về bệnh tim mạch trên các trang web y khoa điện tử hàng đầu thế giới như: webmd.com, nih.gov, medicinenet.com… và tham gia hàng trăm các cuộc hội thảo, tư vấn trực tuyến cùng với các chuyên gia đầu ngành Tim mạch để gửi tới bạn đọc những kiến thức mới và hữu ích về bệnh rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh.
Thông tin liên hệ:
SĐT: 0966.491.285
Email: btvlegiang@gmail.com