Mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu ở người lớn tuổi không chỉ đơn giản là thiếu sức sống, thiếu năng lượng do tuổi già. Đó có thể là do triệu chứng của bệnh chậm nhịp tim nguy hiểm và bà Barbara Hanson, 75 tuổi (New York, Mỹ) là một trong những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, nhờ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên bà Hanson đã khỏe lại và có thể đi lại bình thường.
Ngất xỉu – dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim chậm
Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Hanson vẫn là một người rất khỏe mạnh. Bà thường xuyên đi bộ và rất ít khi phải nhờ con cháu đưa đi đâu bằng xe máy hay taxi. Ở tuổi 75, hàng ngày, bà Hanson vẫn đến trung tâm khiếm thị để làm việc: Dạy các cháu chẳng may bị khiếm thị biết cách học chữ nổi, dọn dẹp lớp học ở trung tâm. Tình thương yêu các cháu khiếm thị cùng với quan điểm càng già càng phải vận động nhiều của bà đã giúp bà vẫn duy trì được sức khỏe tốt.
Chưa bao giờ bà Hanson nghĩ rằng mình bị mắc bệnh tim mạch, nhất là bệnh chậm nhịp tim. Một năm trước đây, bà bị ngất xỉu và ngã ra đường khi đang trên đường đến trung tâm khiếm thị. “Cảm giác khi ấy thật đáng sợ. Tôi đang băng qua đường và đột nhiên, trời đất tối xầm, tôi đã ngất xỉu và ngã luôn ra mặt đường”, bà Hanson chia sẻ.
“Tôi không thường xuyên đến gặp bác sỹ vì sức khỏe của tôi rất tốt. Tuy nhiên, lần này tôi đã được đưa đến bệnh viện để khám bệnh”. Bà Hanson đã được đo điện tâm đồ, kết quả, bà được chẩn đoán mắc bệnh chậm nhịp tim. Đây là căn bệnh quá lạ lẫm với một người công nhân may đã về hưu như bà Hanson. Đã hơn 5 năm “thâm niên” với căn bệnh tăng huyết áp, bà chưa bao giờ nghĩ mình bị chậm nhịp tim. Thời điểm bị ngất xỉu, bà Hanson đã sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp.
Nhịp tim chậm là gì?
“Nhịp tim chậm là một trong những dạng rối loạn nhịp tim khá phổ biến”, BS David Friedman – Giám đốc Dịch vụ phòng suy tim tại bệnh Bệnh viện Franklin North Shore-lij ở Valley Stream, New York cho biết. Nhịp tim chậm đặc trưng bởi triệu chứng nhịp tim của bệnh nhân chậm hơn 60 nhịp mỗi phút (nhịp tim trung bình của người trưởng thành từ 60 – 100 nhịp/ phút), theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
“Căn bệnh này âm thầm làm giảm khả năng hoạt động của tim trong việc bơm máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Kết quả, bệnh nhân thường xuyên bị mệt mỏi, khó thở, choáng váng, thậm chí ngất xỉu và khó khăn khi làm việc gắng sức”, BS. Friedman cho biết.
Những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh chậm nhịp tim là những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp. Bệnh nhân chậm nhịp tim có thể được chẩn đoán nhanh chóng bằng điện tâm đồ ECG.
Điều trị bệnh chậm nhịp tim
Bệnh nhân mắc bệnh chậm nhịp tim hoàn toàn có thể điều trị được, thậm chí trong một số trường hợp là chữa khỏi hoàn toàn. BS. Friedman giải thích, một số loại thuốc có thể làm chậm nhịp tim của con người chẳng hạn như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci. Do đó, dừng sử dụng loại thuốc này có thể giúp người bệnh không còn mắc tình trạng chậm nhịp tim.
Ngay cả trường hợp không thể đảo ngược được, các bác sỹ vẫn có thể điều trị cho người bệnh bằng cách cấy máy tạo nhịp tim. Đây là một thiết bị nhỏ chạy bằng pin được cấy ghép vào ngực của người bệnh. Thiết bị này luôn luôn giám sát hoạt động điện tim và tạo nhịp cho bệnh nhân ngay khi nhịp tim có “biểu hiện” bất thường.
Bà Hanson cũng là một bệnh nhân được cấy ghép máu tạo nhịp tim ngay sau khi chẩn đoán bệnh chậm nhịp tim. Sau khi được điều trị, bà cảm thấy khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Các bác sỹ khuyên bà không cần sử dụng thuốc hạ huyết áp nữa bởi chính loại thuốc này đã khiến bà bị chậm nhịp tim và bị ngất xỉu trên đường. Nhờ vận động nhiều hơn, bệnh tăng huyết áp cũng không còn đe dọa sức khỏe của bà Hanson.
Nhược điểm của máy tạo nhịp tim
Máy tạo nhịp tim có thể giúp bệnh nhân chậm nhịp tim trở lại cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, máy tạo nhịp tim cũng có nhiều nhược điểm. Chẳng hạn, tất cả những thiết bị phát sóng điện từ như điện thoại di động, máy chụp cộng hưởng từ MRI, các máy dò kim loại (cổng từ) trong siêu thị… đều có thể khiến máy tạo nhịp tim hoạt động sai.
Friedman khuyên bạn nếu phát hiện những biểu hiện khó thở, mệt mỏi, choáng váng khi hoạt động mạnh thì nên đến ngay chuyên khoa tim mạch của bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để được kiểm tra. Và tốt nhất là đừng bao giờ chủ quan với bất kỳ triệu chứng nào khác thường khi bạn lớn tuổi.
DS.Thu Thảo
Tham khảo: www.everydayhealth.com
Là Dược sĩ đại học có vai trò là Trưởng ban biên tập nội dung sức khỏe cho website https://loannhiptim.co/, tôi đã dành nhiều thời gian cập nhật kiến thức về bệnh tim mạch trên các trang web y khoa điện tử hàng đầu thế giới như: webmd.com, nih.gov, medicinenet.com… và tham gia hàng trăm các cuộc hội thảo, tư vấn trực tuyến cùng với các chuyên gia đầu ngành Tim mạch để gửi tới bạn đọc những kiến thức mới và hữu ích về bệnh rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh.
Thông tin liên hệ:
SĐT: 0966.491.285
Email: btvlegiang@gmail.com